Giới thiệu về Hiệp Hội Du Lịch Việt Nam

Hiệp hội Du lịch Việt Nam là một tổ chức tự nguyện phi chính phủ của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và công dân Việt Nam hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực du lịch.Theo Luật Du lịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam là tổ chức xã hội- nghề nghiệp về du lịch đươc thành lập và hoạt động theo qui định của pháp luật về hội ;
Hiệp hội Du lịch Việt Nam có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Tourism Association (VITA) được thành lập theo Quyết định số:18/2002/QĐ-BNV ngày 25/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và có trụ sở tại : Nhà K, Nhà khách La thành, số 226 phố Vạn Phúc, Quận Ba Đình, T.P Hà Nội. Hiệp hội Du lịch Việt Nam ra đời đánh dấu một bước phát triển quan trọng của Ngành du lịch Việt Nam.
Hiệp hội đã tiến hành Đại hội lần thứ I (ngày 09/01/2003), Đại hội lần thứ II (ngày 21/12/2005), Đại hội lần thứ III ( ngày 29/12/2011) , Đại hội lần thứ IV ( ngày 6/4/2017) và Đại hội lần thứ V( ngày 31/3/2022);
Tháng 3/2006 bản Điều lệ (sửa đổi) của Hiệp hội đã được Bộ Nội vụ phê duyệt và ngày 6/6/2012 Bộ Nội vụ ra Quyết định số 514/QĐ-BNV phê duyệt Điều lệ(sửa đổi, bổ sung ).
Mục đích của Hiệp hội là liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau về kinh tế - kỹ thuật về kinh doanh dịch vụ, tạo bình ổn thị trường, nâng cao giá trị chất lượng, sản phẩm du lịch, khả năng cạnh tranh trong và ngoài nước của hội viên; đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Hội viên.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam hoạt động trong phạm vi cả nước và ở nước ngoài theo quy định của pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Du lịch ( sửa đổi) được Quốc hội ban hành ngày 19/6/2017 và Điều lệ của Hiệp hội.
Theo Luật Du lịch,Hiệp hội Du lịch Việt Nam có trách nhiệm sau đây :
- Tuân thủ pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên
- Tham gia xây dựng , phổ biến, giáo dục, giám sát việc thực hiện các qui định của pháp luật, chính sách về du lịch
- Tham gia xúc tiến du lịch, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về du lịch; đánh giá, tư vấn, thẩm định tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ chất lượng dịch vụ cho doanh nghiệp và lao động trong ngành du lịch; Xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh cho các hội viên, huy động các nguồn lực xã hội để triển khai hoạt động du lịch theo qui định của pháp luật.
- Tổ chức triển khai việc thực hiện qui tắc đạo đức nghề nghiệp, vận động hội viên kinh doanh du lịch đảm bảo chất lượng dịch vụ.
- Phát hiện và kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm về pháp luật về du lịch, bảo vệ môi trường.
- Phối hợp cùng với cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch từ Trung ương đến các địa phương để thẩm định, xếp hạng đối với các cơ sở lưu trú du lịch có nguyện vọng ;
- Động viên, hướng dẫn hướng dẫn viên du lịch tham gia là thành viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp về du lịch để đảm bảo đủ điều kiện hành nghề hướng dẫn viên theo qui định của Luật Du lịch ;
Quyền hạn của Hiệp hội :
- Tổ chức các Hội nghị, Hội thảo để trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, khuyến khích hợp tác, liên kết giữa các hội viên để nâng cao chất lượng hoạt động du lịch.
- Tổ chức các hoạt động đào tạo, dịch vụ, tư vấn và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ này.
- Nghiên cứu, tham gia góp ý, đề xuất kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan nhà nước những chính sách, luật pháp đưa ngành du lịch phát triển.
- Phát triển hội viên, xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng và phát triển các mối quan hệ của Hiệp hội với các tổ chức, cá nhân trong nước và ở nước ngoài theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, uy tín và vị thế của Hiệp hội.
- Xuất bản tập san, các ấn phẩm và các tài liệu tuyên truyền, quảng bá du lịch, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và của ngành Du lịch về xây dựng, phát triển du lịch,phổ biến kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
- Được gây quĩ hội trên cơ sở lệ phí, hội phí của hội viên và các nguồn tài trợ, các nguồn thu từ hoạt động dịch vụ; được tham gia góp vốn trong các tổ chức kinh tế hoạt động theo qui định của pháp luật để tự trang trải kinh phí hoạt động; được thành lập Quĩ phát triển du lịch theo qui định của pháp luật.
-Thực hiện các quyền hạn khác của tổ chức Hiệp hội theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ của Hiệp hội:
- Tuyên truyền giáo dục để hội viên hiểu rõ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Tổng cục Du lịch về xây dựng, phát triển ngành Du lịch Việt Nam.
- Tham gia tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, danh lam thắng cảnh, con người, truyền thống văn hoá và lịch sử của dân tộc Việt nam với bạn bè quốc tế, xúc tiến du lịch. Tham gia xây dựng chiến lược phát triển ngành Du lịch Việt Nam khi được yêu cầu.
- Đại diện cho hội viên kiến nghị với Nhà nước về những chủ trương, chính sách, biện pháp khuyến khích, tạo điều kiện phát triển ngành Du lịch và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, giải quyết các trường hợp, vụ việc gây thiệt hại đến quyền lợi của Ngành và của hội viên theo thẩm quyền của Hiệp hội; thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật.
- Động viên sự nhiệt tình và khả năng sáng tạo của hội viên; hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ nhau về kinh tế - kỹ thuật trong hoạt động, kinh doanh du lịch trên cơ sở trao đổi kinh nghiệm, phổ biến và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; đoàn kết giúp đỡ nhau trong khó khăn.
- Hỗ trợ tư vấn cho các tổ chức và hội viên của Hiệp hội trong quá trình sắp xếp lại tổ chức; cung cấp thông tin về kinh tế, thị trường liên quan đến du lịch để hội viên tổ chức kinh doanh đạt hiệu quả và phát triển bền vững.
- Phối hợp với các tổ chức liên quan trong nước nhằm thực hiện tôn chỉ, mục đích của Hiệp hội.
- Tính đến thời điểm tổ chức Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2022-2027, Hiệp hội Du lịch Việt Nam duy trì cơ cấu tổ chức, bộ máy như sau :
- Ban chấp hành Hiệp hội gồm :
+ Cơ quan thường trực Hiệp hội
+ Chủ tịch các Liên chi hội du lịch chuyên ngành, đơn vị trực thuộc
+ Lãnh đạo Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố
+ Lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp du lịch du lịch và 1 số đơn vị liên doanh, liên kết…
- Cơ quan của Hiệp hội gồm :
+ Văn phòng Hiệp hội
+ Các Ban chuyên môn : Ban Hội viên, Ban Đào tạo, Ban truyền thông và chuyển đổi số; Ban Thị trường và xây dựng sản phẩm du lịch; Ban Xúc tiến và tổ chức sự kiện ; Ban Hợp tác Quốc tế
- Các đơn vị trực thuộc gồm:
- 6 Liên chi hội du lịch chuyên ngành trực thuộc :
+ Liên chi hội Lữ hành Việt Nam;
+ Liên chi hội Khách sạn Việt Nam;
+ Liên chi hội Đào tạo du lịch Việt Nam;
+ Liên chi hội Du lịch Golf Việt Nam
+ Liên chi hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam
+ Liên chi hội Đầu bếp du lịch Việt Nam
- Diễn đàn doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ Việt Nam (VTF)
- Chi hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam (VCTC)
- Trung tâm tư vấn - đào tạo – dịch vụ và xúc tiến du lịch
- Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Ẩm thực Việt Nam
- Tạp chí Vietnam Traveller
- Câu lạc bộ Nhà báo Du lịch
- Câu lạc bộ du lịch MICE Việt Nam
- Các câu lạc bộ lữ hành , hướng dẫn viên theo thị trường (Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga-Việt …);
- Các câu lạc bộ trong lĩnh vực lưu trú : CLB Quản lý Buồng Việt Nam, CLB Nhân sự Khách sạn Việt Nam …
- Liên đoàn Quần vợt Du lịch Việt Nam
- Hiệp hội Du lịch Việt Nam hiện có 55 thành viên là Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố trong cả nước với hàng nghìn các chi hội, câu lạc bộ ngành nghề khác nhau đưa tổng số hội viên của Hiệp hội lên trên 10.000 hội viên tập thể là các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh trong các lĩnh vực lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, vận chuyển khách du lịch,sân golf, tổ chức sự kiện- quảng cáo, công nghệ thông tin du lịch, Nhà hàng, cửa hàng phục vụ khách du lịch,làng nghề, thủ công mỹ nghệ, khu vui chơi giải trí, các trường đại học, cao đẳng có khoa du lịch … và gần 16 ngàn hội viên cá nhân là hướng dẫn viên, đầu bếp, bartender…
Ngoài ra còn có một số tổ chức tự nguyện là thành viên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam hoặc nhiều năm tích cực, phối hợp với Hiệp hội du lịch Việt nam để tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch … với số lượng hàng nghìn hội viên như : Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, Hiệp hội Văn hóa Du lịch Công Đoàn Việt Nam…
Từ tháng 8/2004 Hiệp hội Du lich Việt Nam là thành viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam là thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ; Đồng chủ tịch nhóm công tác chuyên ngành Du lịch của Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam- Châu Âu( EVBC)
Hiệp Hội Du lịch Việt Nam đã ký kết và triển khai Chương trình hợp tác phát triển du lịch với Hiệp hội lữ hành Hoa Kỳ ( ASTA), Nhật Bản (JATA), cơ quan phát triển du lịch Hàn Quốc , Úc và một số vùng lãnh thổ, quốc gia khu vực Asean...