Thứ ba - 23/07/2024 11:06    
Ngày xưa hội chơi bài chòi rất phổ biến ở các vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên vào những dịp Tết Nguyên Đán, sau thu hoạch vụ mùa, lễ cúng cơm mới. Trên sân đình làng, chỗ đất trống, hay góc chợ, người ta dựng lên một chòi giữa dành cho ban tổ chức và 10 chòi nhỏ bằng tranh tre trang trí lộng lẫy chia thành 2 hàng dành cho người dự cuộc. Người điều khiển (còn gọi anh hô bài) vừa hát những điệu bài chòi dí dỏm, hài hước khuấy động không khí vui nhộn vừa rút những chiếc thẻ trong đó có ghi những ký hiệu ứng với thẻ của một trong số người tham dự. Người chơi ngồi trên chòi cao, dùng mõ tre để báo hiệu nếu trúng thưởng. Điệu hô bài chòi là những câu vè, câu ca dao bằng thơ lục bát hoà với nhạc điệu của phường bát âm. Xen giữa những ván bài chòi là phần biểu diễn các trích đoạn tuồng.
Cùng với các tỉnh Trung bộ của Việt Nam, Nghệ thuật bài chòi đã được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (ngày 7/12/2017).