Nâng cao nhận thức, thống nhất hành động, tăng tốc phát triển du lịch

09:22- 2023-07-06

Sáng 5/7, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch Hà Nội, tổ chức hiệu quả "Hội nghị Triển khai Nghị quyết 82 của Chính phủ và Kỷ niệm 63 năm ngày thành lập Ngành Du lịch Việt Nam", với mục tiêu phát huy tinh thần năng động, sáng tạo trong ngành và thống nhất tư duy, hành động của cộng đồng doanh nghiệp. Đây cũng là hội nghị đầu tiên cụ thể hóa các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra cho ngành du lịch Việt Nam.

Hội nghị có sự tham gia của hơn 200 đại biểu là đại diện các Sở quản lý du lịch, Trung tâm xúc tiến du lịch, Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch các địa phương và hàng trăm doanh nghiệp du lịch cả nước, bên cạnh đó là 22 đầu cầu trực tuyến ở khắp các địa phương

Hội nghị có sự tham gia của hơn 200 đại biểu là đại diện các Sở quản lý du lịch, Trung tâm xúc tiến du lịch, Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch các địa phương và hàng trăm doanh nghiệp du lịch cả nước, bên cạnh đó là 22 đầu cầu trực tuyến ở khắp các địa phương

Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, ngày 18/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Ngày 24/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, với nhiều quy định thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Qua đó, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh: Đây là cơ hội to lớn cho ngành du lịch, và cũng là trách nhiệm nặng nề của các doanh nghiệp du lịch cả nước. Với tinh thần đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động, thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; đồng thời thể hiện sự thống nhất trong tư duy và hành động của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, chính là hội viên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, và thể hiện sự cam kết của cộng đồng doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong thực thi đường lối chính sách của Đảng, Chính phủ và Quốc hội về phát triển du lịch.

Thống nhất tư duy và hành động của cộng đồng doanh nghiệp du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh

Thống nhất tư duy và hành động của cộng đồng doanh nghiệp du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh

Kế hoạch của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đề ra 8 mục tiêu cần thực hiện trong thời gian sắp tới, bao gồm: Tái cấu trúc doanh nghiệp, đổi mới mô hình kinh doanh; Phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với giai đoạn mới; Đa dạng hóa thị trường du lịch; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch; Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới; Tăng cường liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp du lịch; Phát hiện, tổng hợp ý kiến và đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp du lịch…

Phát biểu tại hội nghị, ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL nêu rõ, Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững là một bước quan trọng trong triển khai, thực hiện chủ trương đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tuy nhiên, bối cảnh ngành du lịch Việt Nam hiện nay còn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục, như: sản phẩm du lịch còn thiếu sự đa dạng, chưa thực sự đặc trưng, độc đáo, chưa phát huy được các giá trị tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn vốn có; các dịch vụ lưu trú, thương mại vận tải,... chưa tạo hình thành việc kết nối, chia sẻ trong quá trình kinh doanh; đồng thời hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch còn hạn chế, thiếu trọng tâm, trọng điểm, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao,...

“Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP sẽ tạo cơ sở cho ngành du lịch khắc phục những điểm yếu này”, ông Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.

Buổi tham luận là cơ hội để toàn ngành đóng góp ý kiến, chia sẻ phương hướng và kế hoạch cụ thể, tăng cường hoạt động và thu hút khách du lịch trong 6 tháng cuối năm

Buổi tham luận là cơ hội để toàn ngành đóng góp ý kiến, chia sẻ phương hướng và kế hoạch cụ thể, tăng cường hoạt động và thu hút khách du lịch trong 6 tháng cuối năm

Tại hội nghị, các cơ quan quản lý, hiệp hội du lịch các địa phương và đại diện 1 số doanh nghiệp du lịch đã có buổi tham luận, trình bày phương hướng và kế hoạch cụ thể để tăng cường hoạt động, thu hút khách du lịch trong 6 tháng cuối năm, theo tinh thần của Nghị quyết 82/NQ-CP. Đặc biệt, đối với nhóm khách quốc tế, các đại biểu đều nhất trí với ý kiến đề nghị du lịch các tỉnh thành đẩy mạnh liên kết, xây dựng tour đặc trưng, chuyên biệt vùng miền, tránh tình trạng hoạt động rời rạc, mạnh ai nấy làm.

Đóng góp ý kiến, bà Triệu Thị Tình - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Giang cho biết, với mục tiêu phát huy, khai thác thế mạnh địa lý khu vực Tây Bắc là danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử, du lịch Hà Giang sẽ chú trọng và tập trung triển khai các chương trình liên kết, nổi bật trong đó là xây dựng 3 mô hình gắn với đa trải nghiệm, liên kết với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng,...

Mặt khác, ông Nguyễn Mạnh Thản - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội nhận định: Thời gian vừa qua toàn ngành rất phấn khởi vì sự nới lỏng trong chính sách visa, nhưng bên cạnh đó còn tồn tại nhiều khó khăn, có thể kể đến: vấn đề về thủ tục, tài chính để ngành có thể hoạt động; vấn đề suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến chi tiêu của khách; vấn đề về chất lượng dịch vụ sau khoảng thời gian đại dịch kéo dài;...

"Do đó, tôi đề nghị chúng ta nên suy xét kĩ trước khi triển khai hành động, không nên quá hình thức hay ganh đua tiêu cực, mà phải làm sao đạt hiệu quả cao nhất, để vừa đón được khách, nâng cao chất lượng và vẫn nâng cao được hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp của mình nói riêng và cho toàn ngành nói chung...", ông Nguyễn Mạnh Thản nhấn mạnh, đồng thời thể hiện sự sẵn sàng phối hợp với các tỉnh/thành phố trong việc liên kết và phát triển.

Nêu ý kiến tại tham luận, Bà Nguyễn Thị Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM cũng thể hiện sự nhất trí và đồng tình với kế hoạch, giải pháp và nhiệm vụ mà Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề ra, bên cạnh đó bổ sung một số đề xuất tại Nghị quyết 82/NQ-CP: "Thứ nhất, nghị quyết đã đề cập tới vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kĩ năng nghề,… do đó tôi đề nghị Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức chương trình hành động với những lộ trình và bước đi cụ thể, có ban, hội đào tạo, để từ đó thật sự cải thiện được chất lượng nguồn nhân lực cho tương lai. Mặt khác, trong thời gian qua, ngành chúng ta đã có những sự phát triển nở rộ về sản phẩm du lịch, tuy nhiên phải thừa nhận là vẫn tồn tại sự dàn trải, đồng nghĩa với việc lãng phí. Do đó, thực hiện theo nghị quyết giúp chúng ta phát triển mà tránh bị trùng lặp giữa các địa phương với nhau, đồng thời tạo nên bản đồ du lịch Việt Nam thật phong phú và đa dạng..."

"Về phía Hiệp hội Du lịch TP HCM, chúng tôi mong muốn có sự liên kết giữa Hiệp hội Du lịch các địa phương cả nước, dưới sự điều phối của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, để từ đó ngành du lịch có một sức nặng tổng hợp. Mặt khác, tôi đề nghị Chính phủ và Bộ mạnh dạn giao nhiệm vụ cho Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Tôi cho rằng có những yếu tố mà cơ quan quản lý nhà nước không cần đi vào quá cụ thể, mà nên giao trách nhiệm cho Hiệp hội, ví dụ như việc: cấp thẻ hướng dẫn viên, xếp hạng khách sạn,… Tại hội nghị, tôi mạnh dạn đề xuất những điều này vì đây là những quan điểm tiến bộ, theo xu hướng phát triển chung của thế giới. Tất nhiên chúng ta không phải thực hiện ngay, nhưng nên nghĩ tới nó từ giờ để có kế hoạch và lộ trình cụ thể", Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM cho biết.

Trình bày về phương hướng và kế hoạch cụ thể để tăng cường hoạt động, thu hút khách du lịch trong tương lai, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cho biết: "Chúng tôi nhận thức được rõ ràng rằng lữ hành sẽ là một trong những nhóm doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất trong xu hướng chuyển đổi số và thay đổi tổ chức ngành. Bởi vốn lữ hành chỉ đang đóng vai trò trung gian, vậy nên nếu không tái cấu trúc và chuyển đổi số, nhóm này sẽ gặp thách thức rất lớn, thậm chí đối mặt với việc thu hẹp hoạt động và đóng cửa doanh nghiệp. Chúng tôi đã và đang triển khai hàng loạt hành động, trong đó bao gồm cả việc trao đổi và thương lượng với một số công ty công nghệ để phát triển các nền tảng số cho doanh nghiệp hội viên, đạt được một số thoả thuận và sẽ sớm triển khai trong tương lai."

"Về phát triển sản phẩm, trên tinh thần là sản phẩm phải đặc thù, tạo lợi thế, tạo khác biệt, cùng với cách tiếp cận là tư duy toàn cầu và hành động địa phương; chúng tôi đã đem dấu ấn của các địa phương và hệ thống dịch vụ độc đáo, đặc trưng, vừa triển khai bán trên các nền tảng số, vừa bán trên thị trường truyền thống. Chúng tôi cũng sẽ tham gia sâu vào các hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, trong đó nổi bật nhất là sự kiện VITM Cần Thơ 2024, VITM Hà Nội 2024...", Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam thông tin.

T.Đ

Sự kiện nổi bật của VITA

Liên kết hữu ích