Nghiên cứu giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch


Ảnh minh hoạ: Tấn Thạnh/NLĐO.
Xét đề nghị của Hiệp hội Du lịch Việt Nam về các giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và ứng dụng Hộ chiếu vaccine trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến như sau:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp cấp bách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 đối với ngành du lịch; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2021.
Trước đó, trên cơ sở ý kiến của Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp hội viên, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã xin đề nghị với Thủ tướng một số công việc như sau:
I. Đề nghị Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch:
1. Đề nghị Chính phủ xem xét cho phép giảm 50% thuế VAT đối với các doanh nghiệp du lịch từ 10% xuống 5% trong cả năm 2021:
Doanh thu năm 2021 của các doanh nghiệp du lịch vẫn rất thấp, nhưng để duy trì hoạt động, giữ chân được các lao động chủ chốt, các doanh nghiệp du lịch cần có sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước thông qua việc giảm thuế VAT.
Việc giảm thuế VAT đã từng được Chính phủ quyết định năm 2009 và mang lại hiệu quả to lớn trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch khắc phục khó khăn do khủng hoảng tài chính toàn cầu.
2. Đề nghị Chính phủ cho phép giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt cho hoạt động phục vụ khách du lịch của các sân Golf (loại hình Du lịch golf)
Trong những năm gần đây, loại hình Du lịch golf phát triển mạnh, thu hút mỗi năm hàng triệu khách du lịch quốc tế đến chơi golf tại các sân golf Việt Nam. Việc quy định chơi golf là loại hình dịch vụ xa xỉ, cao cấp và phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế xuất 20%) đã làm giảm sự hấp dẫn và tính cạnh tranh của loại hình du lịch golf Việt Nam với các nước trong khu vực.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid, chỉ còn một số ít sân golf có khách nội địa chơi golf với số lượng hạn chế và vì vậy các doanh nghiệp du lịch golf ngày càng khó khăn. Để hỗ trợ các doanh nghiệp này, đồng thời nhanh chóng phát huy thế mạnh du lịch golf của Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị Chính phủ xem xét, giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt cho hoạt động phục vụ khách du lịch chơi golf tại các cơ sở du lịch golf từ năm 2021.
3. Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp lữ hành, đề nghị Chính phủ cho phép chuyển đổi tạm thời Giấy phép lữ hành quốc tế sang Giấy phép lữ hành nội địa để chuyển mức ký quỹ của các doanh nghiệp lữ hành quốc tế từ 500 triệu VNĐ xuống 100 triệu VNĐ (lữ hành nội địa). Quy định này phù hợp với thực tế vì từ năm 2020, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã chỉ đón khách nội địa. Việc đổi Giấy phép này có thể làm rất đơn giản thông qua một thông báo của Tổng cục Du lịch đối với Ngân hàng để các doanh nghiệp rút 80% tiền ký quỹ lữ hành quốc tế.
Khi Việt Nam cho phép đón khách quốc tế, các doanh nghiệp này sẽ đổi lại Giấy phép trong thời hạn 1 năm và nộp đủ tiền ký quỹ lữ hành quốc tế theo quy định của Luật Du lịch.
4. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 16/01/2017 và Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó quy định rõ “Điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất”. Đây là điều bất cập đã được kiến nghị nhiều lần trong 4 năm qua, đặc biệt trong giai đoạn phòng chống đại dịch Covid-19.
Việc thay đổi giá điện đề nghị Chính phủ cho thực hiện ngay từ 01/01/2021
5. Các quy định về giảm tiền thuế đất, về giãn nộp thuế, đề nghị Chính phủ cho áp dụng cả năm 2021, đồng thời chỉ đạo các ngành có những điều chỉnh phù hợp với đặc thù của ngành Du lịch. Đề nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, lùi thời gian đóng phí công đoàn, xem xét hỗ trợ mức lương trợ cấp thất nghiệp cho phù hợp với đặc thù của lao động du lịch.
6. Về việc vay ngân hàng để trả lương chờ việc cho lao động ngành du lịch, đề nghị Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp du lịch được tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ để duy trì lực lượng lao động chủ chốt của ngành trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Chính phủ cho phép Hiệp hội Du lịch Việt Nam trực tiếp làm việc với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội để thảo luận các đề xuất cụ thể trong lĩnh vực này.
II. Về sử dụng “Hộ chiếu vắc-xin”
Để từng bước khôi phục hoạt động du lịch, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phối hợp với Tổng cục Du lịch và các địa phương đẩy mạnh hoạt động du lịch nội địa. Có những thời điểm, ở một số trung tâm du lịch, số lượng khách nội địa đã vượt qua giai đoạn trước dịch. Tuy nhiên, tỷ trọng của du lịch nội địa trong toàn ngành Du lịch không cao (chiếm khoảng 30% doanh thu toàn Ngành), do vậy, khôi phục du lịch quốc tế vẫn là định hướng quan trọng của toàn ngành Du lịch.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, lấy an toàn của người dân là quan trọng nhất, toàn ngành Du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch đã nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng chống dịch của Chính phủ, của Bộ Y tế và của các địa phương. Quy chế Du lịch an toàn đã được Hiệp hội Du lịch Việt Nam ban hành cho các doanh nghiệp du lịch ngay từ ngày 21/02/2020. Do vậy, trong hơn một năm qua, không có doanh nghiệp du lịch nào vi phạm quy định phòng chống dịch và cơ bản toàn ngành Du lịch đã không có người bị lây nhiễm Covid-19. Điều đó thể hiện sự nghiêm túc, cẩn trọng của những người có trách nhiệm trong lĩnh vực du lịch. Trong bối cảnh “bình thường mới”, đặc biệt là khi vắc-xin phòng Covid-19 đã được nhiều nước khẩn trương tiêm chủng cho nhân dân, việc hạn chế lan tỏa của dịch bệnh Covid đã có kết quả rõ rệt. Nhiều nước đã xác định sẽ sử dụng “Hộ chiếu vắc-xin” là phương thức để từng bước khôi phục du lịch quốc tế. Chắc chắn trong thời gian tới, Hộ chiếu vắc-xin sẽ là một công cụ cạnh tranh quyết liệt trong việc thu hút khách du lịch của các nước trong khu vực.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam rất vui mừng vì Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp các ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sử dụng Hộ chiếu vắc-xin để thúc đẩy khôi phục du lịch. Thực hiện chỉ đạo này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đang phối hợp với Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế trên cơ sở sử dụng Hộ chiếu vắc-xin. Để triển khai công việc này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị Thủ tướng một số công việc sau:
2.1. Chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu hồ sơ những người đã tiêm chủng vắc-xin ở Việt Nam, với đầy đủ các tiêu chí cần thiết để khi Việt Nam đạt được các thỏa thuận công nhận kết quả tiêm chủng vắc-xin Covid-19 với các quốc gia khác, chúng ta sẽ không phải làm lại công việc này vì hiện tại số lượng đã tiêm còn thấp, thuận lợi cho việc số hóa dữ liệu này.
2.2. Cho phép Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức thí điểm việc sử dụng “Hộ chiếu vắc-xin” để đón một số đoàn khách được lựa chọn tại một số thị trường có đủ điều kiện. Cho phép xã hội hóa một số khâu trong Đề án thí điểm để Đề án có thể sớm được triển khai. Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp du lịch được chọn đảm bảo thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các quy định phòng chống dịch Covid-19, khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn.