Hải Dương tổ chức Lễ hội mùa Xuân truyền thống Côn Sơn-Kiếp Bạc
Ngày 13.2, tại khu di tích Côn Sơn (Chí Linh), tỉnh Hải Dương đã long trọng tổ chức khai hội mùa Xuân truyền thống Côn Sơn-Kiếp Bạc. Lễ hội nhằm tưởng niệm 691 năm ngày viên tịch của Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả (1334-2025), kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Côn Sơn và phát động Tết trồng cây.
Các đại biểu dự dâng hương tại chùa Côn Sơn
Dự lễ khai hội có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Trần Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Cùng dự có Trịnh Thị Thuỷ, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, cùng đại diện các bộ, ban, ngành, trung ương và các địa phương.
Trong diễn văn khai hội, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu khẳng định vai trò đặc biệt của Côn Sơn - Kiếp Bạc, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa và lịch sử của dân tộc Việt Nam. Với những dấu ấn nổi bật như nơi tu hành của nhiều bậc cao nhân, nơi đặt đại bản doanh chống quân Nguyên của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, và là điểm dừng chân của các bậc thiền sư Trúc Lâm, trong đó có Huyền Quang Tôn giả. Do đó, đã bao đời nay, Côn Sơn - Kiếp Bạc vẫn “Non thiêng còn đấy, Di tích không mờ"; bao anh hùng hào kiệt đã kính cẩn nghiêng mình trước Côn Sơn hùng vĩ, Kiếp Bạc uy linh.
Cứ mỗi độ Xuân về, đồng bào trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và du khách thập phương lại trẩy hội về với Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, thắp nén tâm hương tưởng nhớ Đệ tam Tổ Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm - Huyền Quang Tôn giả.
Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2025 diễn ra từ ngày 11 đến 20.2 (tức 14 đến 23 tháng Giêng năm Ất Tỵ) với nhiều hoạt động đặc sắc, bao gồm chương trình nghệ thuật “Côn Sơn in dấu chân Người”, lễ khởi trống khai hội, lễ dâng hương tưởng niệm Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả, trưng bày chuyên đề “Hải Dương in dấu chân Người”, và các hoạt động văn hóa thể thao như thi gói bánh chưng, giã bánh giầy, vật cổ truyền, cờ tướng, v.v..
Hoạt cảnh Côn Sơn in dấu chân Người
Lễ khai hội bắt đầu với hoạt cảnh “Hải Dương in dấu chân Người”, tái hiện lại chuyến thăm của Bác Hồ tới Côn Sơn vào ngày 15.2.1965, với sự tham gia của hơn 60 diễn viên từ Nhà hát Chèo và Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hải Dương. Hoạt cảnh này không chỉ tái hiện lịch sử mà còn thể hiện lòng tri ân đối với tình cảm sâu sắc mà Bác Hồ dành cho nhân dân và chính quyền tỉnh Hải Dương.
Sau phần khai hội, các đại biểu đã dâng hương tưởng niệm Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả. Ông sinh năm 1254 tại Bắc Ninh, là một trong ba vị tổ của thiền phái Trúc Lâm và là người trụ trì tại chùa Côn Sơn, nơi ông đã viên tịch vào ngày 23 tháng Giêng năm 1334. Ngày mất của ông được chọn làm ngày giỗ của chùa Côn Sơn, nơi này sau đó trở thành trung tâm Phật giáo xứ Đông.
Trong khuôn viên chùa Côn Sơn trưng bày chuyên đề gồm gần 200 hình ảnh, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cũng trong dịp này, Sở VHTTDL Hải Dương tổ chức trưng bày chuyên đề “Hải Dương in dấu chân Người” tại chùa Côn Sơn, giới thiệu những tư liệu quý giá về các lần Bác Hồ về thăm và làm việc với tỉnh Hải Dương, cũng như những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Trưng bày còn góp phần quảng bá giá trị của di tích Côn Sơn trong quá trình UNESCO xem xét công nhận quần thể di tích “Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc” là di sản thế giới.
Lễ hội cũng là dịp để củng cố niềm tự hào và niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời khuyến khích mọi người học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Các hoạt động nổi bật trong ngày khai hội còn bao gồm Tuần văn hóa du lịch, Giải cờ tướng, Giải vật dân tộc, và nhiều trò chơi dân gian đặc sắc.
Khải Hưng (Báo Văn Hoá)