Nam Định: Giao thông mở đường để du lịch “cất cánh”
Thời gian qua, tỉnh Nam Định đã tận dụng lợi thế từ hạ tầng giao thông, xây dựng các sản phẩm du lịch, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của du khách.
Giao thông đi trước mở đường
Nằm ở khu vực trung tâm phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng, Nam Định là địa phương có nhiều lợi thế trong việc phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, có tính liên hoàn, kết nối nhiều hình thức vận tải gồm: đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, đường sắt, tạo điều kiện thuận lợi để liên kết phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch đặc thù.
Khu du lịch Vườn quốc gia Xuân Thủy với nhiều loài động thực vật hoang dã và các loài chim di cư quý hiếm. (Ảnh internet)
Những năm gần đây, tỉnh Nam Định đã hoàn thành, đưa vào khai thác một số công trình trọng điểm như: tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn I); cụm công trình kênh Nghĩa Hưng (Đáy - Ninh Cơ); tỉnh lộ 487B, 488C...
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển; xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn II); xây dựng cầu qua sông Đào; xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định; xây dựng đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B)...
Hoàn thiện các quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng: Dự án xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua các tỉnh: Nam Định, Thái Bình. Những dự án giao thông đang được khẩn trương triển khai, những “cung đường mùa xuân” đã mang đến luồng sinh khí mới, niềm vui mới khi diện mạo quê hương ngày càng khởi sắc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thu hút khách du lịch.
Bà Nguyễn Thu Trang - Đại diện Công ty Du lịch Nam Việt Cho biết: Nam Định sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, các điểm đến về di tích lịch sử, văn hóa đặc trưng, các điểm du lịch cộng đồng mà ít tỉnh nào có được như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Trần - Chùa Phổ Minh (thành phố Nam Định) - Quần thể di tích Phủ Dầy (Vụ Bản) - làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, đúc đồng Tống Xá, sơn mài Cát Đằng (Ý Yên); Bảo tàng tỉnh, Cột cờ Nam Định, Công viên Vị Xuyên, Tượng đài Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) - làng nghề cây cảnh Vị Khê, múa rối nước làng Rạch (Nam Trực) - Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh) - Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh (Xuân Trường).
Bên cạnh đó, một số tuyến du lịch mới đang dần được hình thành khi những dự án hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng, hoàn thành gồm: tuyến theo hành lang đường bộ ven biển kết nối các điểm đến du lịch biển Rạng Đông (Nghĩa Hưng) - biển Thịnh Long (Hải Hậu) - Vườn quốc gia Xuân Thuỷ, biển Quất Lâm (Giao Thủy) và hệ thống các nhà thờ độc đáo tại các huyện ven biển...
Theo bà Trang, hệ thống giao thông thuận tiện, đồng bộ, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại là “đòn bẩy” để du lịch phát triển bền vững. Các tuyến đường được xây dựng, nâng cấp, mở rộng, đã tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả các dự án du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, mở ra các tuyến du lịch mới hấp dẫn du khách.
Chìa khóa kết nối
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh: Nam Định đang sở hữu tài sản vô giá do thiên nhiên ban tặng và các thế hệ cha ông để lại. Nếu chúng ta biết nhìn ra ngoài để suy ngẫm lại mình thì ngành du lịch của tỉnh đang tăng tốc có bước đột phá. Năm 2024, tỉnh Nam Định đã đón khoảng 1,865 triệu lượt khách, tăng 5,2% so với năm 2023. Doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch dịch vụ ước đạt 560 tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm 2023.
Đặc biệt, trong năm 2024, lần đầu tiên tỉnh Nam Định tham gia và tổ chức thành công gian hàng xúc tiến du lịch tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tham quan.
Bà Nguyễn Hải Hà - Giám đốc Công ty Du lịch Hải Hà cho biết: Để du lịch Nam Định thật sự cất cánh các ngành địa phương cần đẩy mạnh liên kết vùng. Đây là yếu tố quan trọng để một địa phương phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, có thể trao đổi và liên kết các tour du lịch một cách hợp lý để tiết kiệm thời gian và chi phí, tạo được sự thoải mái, hài lòng đối với du khách.
Theo bà Hà, đây là một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với việc khai thác tiềm năng và lợi thế du lịch của các địa phương hay rộng hơn là các quốc gia, vùng lãnh thổ.
Không chỉ kết nối du lịch nội tỉnh Nam Định, hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ còn là “chìa khoá” kết nối các tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng từ Nam Định - Hà Nội - các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng, vùng duyên hải Bắc Bộ, cả nước và quốc tế theo các tuyến đường bộ, đường thủy, đường sắt...
Được biết, hiện nay một số tuyến du lịch đã được các công ty du lịch liên tỉnh kết nối lại với nhau tiêu biểu như: Tuyến Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình. Tuyến Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Du khách quốc tế tham quan, trải nghiệm các gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc sắc vùng miền tại Nam Định (Ảnh Báo Nam Định)
Tuyến du lịch lễ hội - tâm linh: Chùa Hương (Hà Nội) - Chùa Tam Chúc, Đền Trần Thương (Hà Nam) - Chùa Bái Đính (Ninh Bình) - Đền Trần, Phủ Dầy (Nam Định) - Đền Trần, Chùa Keo (Thái Bình) - Khu du lịch Yên Tử (Quảng Ninh).
Tuyến du lịch tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử - văn hoá theo các triều đại lịch sử Việt Nam: Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn; tuyến du lịch tham quan các làng nghề, làng Việt cổ; tuyến du lịch, du khảo, trải nghiệm đồng quê. Tuyến du lịch tham quan phố cổ Hà Nội - Hải Phòng - Nam Định; tuyến du lịch biển, đảo ở các tỉnh ven biển.
Tuyến du lịch khám phá vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển: Vườn quốc gia Cát Bà (Hải Phòng) - Vườn quốc gia Xuân Thuỷ (Nam Định) - Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà (Hải Phòng) - Khu dự trữ sinh quyển vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Đây là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy giao lưu, hợp tác phát triển du lịch ngày càng mở ra cơ hội để du lịch Nam Định “cất cánh”.
Minh Huệ - Hiền Bùi (Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp)