02/08/2024

Bánh chưng

Bánh chưng là món ăn dân tộc, là thành phần không thể thiếu trong những lễ vật cúng tổ tiên vào dịp tết Nguyên Đán của người Việt Nam. Chính vì vậy mà tết đến, các gia đình đều chuẩn bị một vài cặp bánh chưng để ăn tết.

Bánh chưng hình vuông (người Nam bộ gói bánh hình trụ dài gọi là bánh tét), có màu xanh của lá tượng trưng cho trái đất. Theo truyền thuyết bánh chưng - bánh dầy xuất hiện vào đời vua Hùng, khi hoàng tử Lang Liêu dâng lên vua cha, được vua ngợi khen và nhường ngôi.

Gói bánh chưng khá công phu. Gạo nếp để gói bánh chưng phải chọn loại nếp ngon, ngâm kỹ trước khi gói bánh. Nhân bánh là thịt lợn (thường chọn miếng có đủ cả bì, mỡ, nạc) và đậu xanh đều hạt, ngâm đãi sạch vỏ. Lá dong để gói bánh cũng phải chọn những lá có bản to, tươi xanh. Khi gói, không chặt quá và cũng không lỏng quá. Bánh gói xong cho vào nồi luộc khoảng trên mười tiếng liên tục. Luộc bánh bằng củi, mùn cưa, trấu và lửa cháy đều thì bánh mới chín nhừ và ngon.

Hiện nay, do cơ cấu mùa vụ thay đổi nên quanh năm có gạo để gói bánh chưng, muốn ăn có thể mua bất cứ lúc nào. Nhưng chỉ thưởng thức miếng bánh chưng vào dịp tết Nguyên Đán thì mới cảm nhận được đầy đủ, mới thấy hết được hương vị của nó. Lúc này cùng với đĩa bánh chưng còn có thêm nhiều thứ đồ ăn khác của ngày Tết: giò lụa, hành muối chua... Ngoài hương vị riêng của bánh, của đồ ăn ngày Tết còn có không khí ngày xuân, cành đào (hay mai), cây quất, ngoài trời mưa giăng giăng, tiết trời còn đang lạnh, mọi người đang tràn đầy niềm vui khi năm mới đang đến mới thấy ý nghĩa trọn vẹn của nó.

Theo truyền thống dân tộc, trước tết vài ngày, cả gia đình ngồi quây quần bên nồi bánh chưng ôn lại chuyện cũ và chuẩn bị đón chào năm mới với niềm hy vọng chứa chan vào những điều tốt đẹp sẽ đến.