Chùa Dâu
Chùa nằm ở thôn Khương Tự (làng Dâu), xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, cách Hà Nội chừng 30km.
Chùa được dựng vào đầu thế kỷ III (thời Sỹ Nhiếp) tại khu vực thành Luy Lâu xưa, trở thành trung tâm Phật giáo lớn thời bấy giờ. Thế kỷ XIV Mạc Đĩnh Chi tổ chức xây dựng chùa với qui mô lớn "chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp". Kiến trúc hiện nay là kết quả đợt tu sửa thời Hậu Lê. Trong thượng điện thờ tượng nữ thần Pháp Vân (thần Mây) ngồi trên toà sen, vì vậy chùa còn có tên là Pháp Vân tự, trước mặt tượng là hộp Thạch Quang (đá thần phát sáng). Tại đây còn nhiều tượng thờ là di vật quý: Tì Ni Đa Lưu Chi, Kim Đồng, Ngọc Nữ, Mạc Đĩnh Chi...
Sân chùa có tháp Hoà Phong ba tầng, xây dựng 1737 - 1738, cao 17m, nền hình vuông cạnh 7m; mỗi tầng đều có 4 cửa vòm cuốn; bên trong tháp treo quả chuông và khánh đồng; bốn góc có bốn tượng Hộ Pháp đứng trên bệ. Tháp Hoà Phong là biểu tượng của sự no đủ (hòa cốc - phong đăng) - ước vọng muôn đời của cư dân nông nghiệp (có tài liệu ghi tòa tháp có tác dụng cản gió nghiệp chướng, đón gió lành).