22/08/2024

Đình Trung Bản

Đình Trung Bản nằm trên gò đất thuộc Xóm Thượng, thôn Trung Bản, xã Liên Hoà, huyện Yên Hưng. Đình được công nhận là di tích lịch sử ngày 30/8/1991 bổ sung cho di tích bãi cọc Bạch Đằng.

Đình xây dựng từ thế kỷ XV và đã trải qua nhiều lần trùng tu, đến triều vua Khải Định xây dựng như ngày nay. Đình thờ Thành hoàng làng là vị Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.

Đình Trung Bản kết cấu theo kiểu chữ “đinh” gồm 5 gian tiền đường, 3 gian bái đường và 2 gian hậu cung. Hiện nay đình còn lưu giữ được một số hiện vật quý từ thời hậu Lê, thời Nguyễn là những tác phẩm khéo léo của các nghệ nhân thể hiện mang đậm phong cách cổ truyền Việt Nam như hai tấm bia đá thời Lê Thánh Tông (1460 - 1497), kiệu bát cống, sập chân quỳ, quán tẩy, hoành phi, câu đối và 6 đạo sắc của các vua triều Nguyễn phong cho Thành hoàng làng là Trần Hưng Đạo. Đặc biệt là tượng Trần Hưng Đạo ngồi long ngai với mái tóc để xoã sau lưng, quần, áo, mũ, cân đai được chạm trổ công phu, tỉ mỉ, sơn son thiếp vàng. Bức tượng được các nhà điêu khắc, mỹ thuật Việt Nam đánh giá cao và coi như một trong những tượng mẫu chuẩn về Trần Hưng Đạo.

Hội đình Trung Bản diễn ra cùng ngày với hội đình Yên Giang, đền Trần Hưng Đạo - miếu Vua Bà, đền Trung Cốc và bãi cọc Bạch Đằng, đó cũng là ngày kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng ngày 9/4/1288.