06/08/2024

Hồng

Việt Nam có nhiều loại hồng, được trồng phổ biến ở các vùng núi, Trung du Bắc bộ, Bắc Trung bộ hay Đà Lạt. Hồng có nhiều dạng: quả dài, quả tròn, quả có cạnh (gần như vuông), quả hình trái trứng. Lúc còn non, quả có màu xanh nhạt, lúc chín chuyển sang màu vàng hoặc đỏ tuỳ theo giống.

Có hai giống hồng là hồng ngâm và hồng mọng. Hồng ngâm thường có vị chát (quả thu hoạch khi trái già, màu vàng đậm, ngâm nước tro khoảng 2 - 3 ngày đêm cho hết nhựa, ăn giòn, ngọt, không chát). Trái hồng chát khi còn xanh không ăn được, nhưng để già, mềm thì hết chát và ngọt. Hồng mọng là loại hồng không chát, vị ngọt, có thể ăn được ngay khi quả vẫn còn cứng hoặc khi trái bắt đầu đổi màu (quả để chín đỏ trên cây, hái xuống ủ vào lá chuối khô cho chín hẳn, vỏ mỏng, mọng). Hồng là một loại quả chứa nhiều đường, nhiều vitamin A.

Hồng chín vào mùa thu, trùng với mùa cốm và mùa cưới. Hồng có thể dùng ăn tươi, ép, sấy, phơi khô hoặc làm mứt. Việt Nam có nhiều vùng có giống hồng ngon nổi tiếng như hồng ở Lạng Sơn, hồng Hạc Trì... Miền Nam, hồng được trồng ở vùng Đà Lạt.

Cây hồng ngoài việc cho quả, làm cây cảnh cũng rất đẹp, khi lá rụng quả hồng màu vàng kim vẫn treo lủng lẳng trên cành. Đông y cho hồng là một loại quả lành, ăn hồng có thể hạ huyết áp, giảm đau ruột.