Khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu
Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu nằm cách nền điện Kính Thiên khoảng 100m về phía Tây, trong chỉnh thể thống nhất của di sản Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Những khám phá quan trọng của khảo cổ học dưới lòng đất khu vực phía Tây trục trung tâm Cấm thành tại 18 Hoàng Diệu đã làm phát lộ một quần thể di tích kiến trúc phong phú, đa dạng cùng hàng triệu di vật thuộc nhiều thời kỳ nằm chồng xếp, đan xen nhau, bắt đầu từ thời Đại La, thời Đinh, Tiền Lê, thời Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và Nguyễn.
Tính đến tháng 12/2009, trong tổng diện tích khai quật 33.000m², các nhà khảo cổ học đã bước đầu xác định được 168 di tích bao gồm: 95 dấu tích nền móng kiến trúc, 16 di tích móng tường bao, 24 giếng nước và 33 cống nước.
Bên cạnh dấu tích kiến trúc là các dấu tích ao hồ, dòng chảy, đặc biệt là con sông đào thời Lê sơ cùng thuyền gỗ, mái chèo, bánh lái được sơn son. Dấu tích hồ sen của Cấm thành cũng được xác định qua các tàn tích lá, củ sen trong lớp bùn của hồ nước. Đó là hình ảnh về sự gắn kết hài hòa trong quy hoạch đô thị, tạo dựng cảnh quan môi trường của Thăng Long xưa.
Tổng số di vật tìm thấy trong khu di tích ước tính khoảng hàng triệu di vật, trong đó chiếm số lượng lớn là vật liệu kiến trúc, đồ gốm sứ và đồ kim loại. Nhiều hiện vật là đồ dùng của Hoàng đế và Hoàng gia, gắn với đời sống Hoàng cung và mang ảnh hưởng của Phật giáo, Nho giáo. Nhiều hiện vật gốm sứ có nguồn gốc từ Trung Hoa, Nhật Bản và Tây Á. Điều này cho thấy tại Thăng Long - Hà Nội sự trao đổi, giao thoa văn hóa đã diễn ra trên phạm vi khá rộng.