17/09/2023

Làng bún Phú Đô

Công nghệ làm bún của Phú Đô vẫn duy trì công nghệ cổ truyền. Những năm gần đây, toàn bộ các hộ làm nghề đã sử dụng các thiết bị, dụng cụ làm bằng thép không rỉ và cơ giới hoá các khâu xay bột, đánh bột, ép bún. Tuy nhiên, thời gian bảo quản bún vẫn là vấn đề đáng lo ngại vì chỉ giữ được chất lượng sản phẩm trong ngày. Gặp những hôm thời tiết không thuận, bún tiêu thụ chậm thậm chi phải chịu thua lỗ.

Giải pháp công nghệ kéo dài thời gian bảo quản bún, đầu tư lò sấy cỡ nhỏ, thiết bị đóng gói và bao bì để sản xuất bún khô ăn liền tạo điều kiện cho làng nghề phát triển.

Trong số 1600 lao động chuyên nghiệp làm bún ở Phú Đô hiện nay, chỉ có khoảng 30% tốt nghiệp PTTH, còn lại trình độ văn hoá PTCS. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của làng nghề bún Phú Đô, Thành phố cần hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp cho các chủ doanh nghiệp, kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm; hỗ trợ kinh phí tư vấn xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; kinh phí xây dựng mô hình trình diễn xử lý nước thải...trích từ nguồn kinh phí khuyến công của Trung ương và Thành phố.

Những năm gần đây, ở Phú Đô, số gia đình làm bún không còn nhiều, phần lớn chuyển sang buôn bán, kinh doanh. Từ gần ngàn hộ gia đình, nay còn chưa đầy trăm hộ "sống chết" với nghề. Nhiều hộ cũng vì mưu sinh, theo đà công nghiệp hóa mà làm mất đi những giá trị truyền thống lâu đời, chuyển sang cơ giới hoá nghề làm bún, đầu tư máy xay bột, đánh bột, và sử dụng cả những thiết bị, dụng cụ hiện đại như máy liên hoàn. Số hộ cần mẫn, miệt mài với phương pháp truyền thống chỉ còn rất ít. Song cũng có nhiều người trong làng thoát ly đã mang theo nghề cổ truyền có mặt ở khắp nơi, để mỗi sớm mai, những sợi bún Phú Đô trắng trong, tinh khiết, nằm sắp hàng trên những tấm lá chuối xanh biếc, gợi một cảm giác thật yên ả, mát lành.