Quần thể di tích Điện Biên Phủ
Điện Biên Phủ là một địa danh không chỉ làm sáng ngời lịch sử Việt Nam mà còn được cả thế giới biết.
Quần thể di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ, tập trung hầu hết tại thành phố Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm chiến đấu, bộ đội Việt Nam tiêu diệt và bắt sống 16.200 quân địch; bắn rơi và phá huỷ 62 máy bay các loại, đánh bại kế hoạch Na Va của Pháp và Mỹ. Buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ thừa nhận quyền độc lập và hoà bình của Việt Nam.
Hàng chục năm đã qua đi, tại đây vẫn lưu giữ nhiều chứng tích nằm rải rác khắp nơi trong vùng: các trận địa pháo, xác máy bay địch, cầu Mường Thanh bắc qua sông Nậm Rốm... Sau đây là một số hạng mục di tích trọng yếu nhất:
1. Đồi Him Lam, là trận đánh mở màn chiến dịch vào ngày 13/3/1954.
2. Đồi Độc Lập, là trận đánh chiếm cứ điểm này vào ngày 15/3/1954.
3. Các đồi C, D, E là nơi diễn ra các trận đánh rất ác liệt, giành giật nhau từng tấc đất. Tất cả đang được bảo tồn. Trên mỗi quả đồi có gắn tên các chữ cái khá to ở vị trí dễ quan sát nhất, từ xa có thể nhìn rõ. Trên đồi D1, tháng 5/2004 khánh thành cụm Tượng đài Chiến thắng Điện Biên; tháng 5/2009, khánh thành trục hành lễ và bức phù điêu.
4. Đồi A1, là điểm cao quan trọng nhất có tính quyết định ở chiến trường Điện Biên Phủ. Nơi đây bộ đội Việt Nam đã phải chiến đấu suốt 36 ngày đêm cực kỳ gian khổ. Hy sinh mất mát rất nặng nề cho cả hai phía. Tối ngày 06/5/1954, bộ đội ta phát lệnh nổ quả bộc phá gần một tấn, khiến bọn địch sống sót phải đầu hàng. Bộ đội ta làm chủ trận địa.
5. Sân bay Mường Thanh và cứ điểm 206 năm xưa nằm ở vị trí trung tâm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Hiện nay sân bay này đã được cải tạo nâng cấp thành sân bay dân dụng Điện Biên Phủ trong hệ thống đường bay nội địa của Hàng không Dân dụng Việt Nam.
6. Hầm sở chỉ huy quân đội Pháp (tướng De Castries). Vị trí hầm, hình dáng, kích thước, cấu tạo của hầm chỉ huy... vẫn nguyên như nó vốn có, nằm ở gần cầu Mường Thanh.
7. Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Nơi đây sưu tập và lưu giữ rất nhiều hiện vật mô tả khái quát toàn bộ cuộc chiến đấu cực kỳ gian khổ của quân và dân Việt Nam để làm nên chiến thắng vang dội của mùa xuân 1954. Hiện vật được trưng bày cả ngoài trời và trong nhà.
8. Nghĩa trang Đồi A1 có 644 mộ; nghĩa trang đồi Độc Lập có 2.432 mộ; nghĩa trang đồi Him Lam có 986 mộ liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch Điện Biên.
9. Sở chỉ huy chiến dịch của bộ đội Việt Nam, cách trung tâm Mường Thanh hơn 30km, trong một khu rừng nguyên sinh thuộc địa phận xã Mường Phăng. Tại đây có lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, các cố vấn, bộ phận giúp việc... Gần đó, trên đỉnh núi Pú Huốt đặt đài quan sát của sở chỉ huy trong những ngày chiến dịch ác liệt. Từ đài quan sát đó có thể nhìn rõ toàn cảnh trận địa dưới lòng chảo Mường Thanh bằng mắt thường.
Quần thể di tích được giữ gìn, bảo quản nghiêm cẩn để các thế hệ người Việt Nam và bè bạn năm châu tận mắt chứng kiến, hiểu thêm những năm tháng chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc Việt Nam giữa thế kỷ XX.