16/09/2023

Ngành du lịch Việt Nam đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ thu hút khách du lịch quốc tế

Hội nghị phổ biến các văn bản mới, đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam được tổ chức trong bối cảnh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chính thức có hiệu lực với các chính sách thị thực mới (nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, nâng thời hạn tạm trú đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày), ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ trong việc thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là việc tổ chức các chương trình du lịch dài ngày.

dulich20230815132633-1692087589.jpg

Hội nghị phổ biến các văn bản mới, đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, nhận định: “Ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ trong việc thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là việc tổ chức các chương trình du lịch dài ngày”.

Theo thông tin từ Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, tong 7 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6,6 triệu lượt, lượng khách du lịch nội địa vẫn đang trên đà phát triển mạnh mẽ, ước đạt khoảng 76,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 416,6 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, chỉ tính riêng tháng 7/2023, Việt Nam đã đón và phục vụ 1,04 triệu lượt khách, đây là tháng đầu tiên trong năm 2023 chúng ta đón được trên 1 triệu lượt khách quốc tế. Bên cạnh đó, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam vẫn tăng, năm 2021 tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp thứ 52/117 quốc gia/nền kinh tế. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức độ cải thiện chỉ số xếp hạng cao nhất thế giới.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đề nghị các cá nhân, tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung các văn bản mới; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện kế hoạch hành động cụ thể hóa các văn bản mới của ngành du lịch bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao. "Với tinh thần chung sức đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, tôi tin rằng du lịch Việt Nam nhất định sẽ sớm phục hồi và trở lại đà tăng trưởng như trước đây, tiếp tục phát triển hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước", Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nói.

Phát biểu kết luận và tiếp thu ý kiến tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, Hội nghị đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến thực chất, tâm huyết, có trách nhiệm về các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể, thiết thực nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững sau khi nhiều chính sách, văn bản có tính đột phá có hiệu lực thi hành. Theo Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, mặc dù ngành Du lịch đã đạt được một số kết quả nhất định, giúp củng cố niềm tin về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới, chúng ta cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức.

Tại hội nghị, lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng đã trình bày một số giải pháp phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 82 của Chính phủ và Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030. Nghị quyết nhằm mục đích tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn ngành du lịch, các ngành liên quan, địa phương, doanh nghiệp và người dân để du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm, với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.

Mục tiêu, đến năm 2025, phục hồi và phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8-9%/năm. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13 -15%/năm; phục vụ 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4 - 5%/năm.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Minh, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành Trung ương sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 để tạo cơ sở cho các địa phương trong đó có Hà Nội triển khai công tác quy hoạch du lịch, thu hút đầu tư, phát triển các khu du lịch trọng điểm quốc gia...

Đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu chính sách để thực hiện kinh tế ban đêm, ví dụ quy định hoạt động 6 giờ nhưng chưa có quy định trong luật; tiền công với người thực hiện công việc ban đêm; chính sách thu hút ban đêm như giá điện...