31/05/2024

Dán nhãn du lịch không rác thải nhựa để tiến tới du lịch xanh vào 2030

Rác thải nhựa trên bãi biển Phú Quốc.

Rác thải nhựa trên bãi biển Phú Quốc.

Tại đây, Hiệp hội du lịch Việt Nam đã đưa ra giới thiệu và lấy ý kiến về Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa của Việt Nam. Dự hội thảo có lãnh đạo Sở Du lịch; Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA); Hiệp hội Du lịch Ninh Bình; Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường); cán bộ và người lao động tại Khu du lịch sinh thái Tràng An.

GIẢM SỨC HẤP DẪN CỦA ĐIỂM ĐẾN

Du lịch được xem là lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ ô nhiễm rác thải nhựa (RTN), nhưng đồng thời cũng là nguồn phát sinh đáng kể rác thải nhựa. Theo thông tin từ Hiệp Hội du lịch Việt Nam, RTN giảm lượng khách và doanh thu từ du lịch, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người sống phụ thuộc. Cụ thể là làm thiệt hại 1,3 tỷ USD/năm đối với các ngành du lịch, đánh cá và vận tải biển; gây thiệt hại 13 tỷ USD/năm với hệ sinh thái biển thế giới và tiêu tốn 650 triệu EURO/năm để dọn sạch các bãi biển Châu Á.

Từ tháng 12/2019, Chính phủ đã ban hành quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 - về việc ban hành Kế hoạch hành động về quản lý Rác thải nhựa đại dương đến 2030: Mục tiêu từ 2025 - 2030: giảm thiểu tương ứng 80% - 100%  RTN tại các khu du lịch, dịch vụ ven biển, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 80% - 100% các khu bảo tồn biển không còn RTN.

Thời gian qua, VITA cũng đã đã tích cực, chủ động phát động các sáng kiến bảo vệ môi trường, triển khai tới các doanh nghiệp du lịch trong cả nước. Được sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP/GEF-SGP), Hiệp hội du lịch Việt Nam đã tích cực triển khai dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam”.

Dự án được thực hiện trong hai năm 2023-2024 nhằm thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch, tập trung vào các hoạt động nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân, khách du lịch về tác hại của rác thải nhựa và ý thức trách nhiệm trong việc giảm thiểu rác thải nhựa...

Đồng thời, triển khai xây dựng và áp dụng thí điểm bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa, góp phần nhân rộng các biện pháp thực hành quản lý giảm thiểu rác thải nhựa của doanh nghiệp, kêu gọi sự nỗ lực, chung tay, góp sức của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng và du khách vì mục tiêu “Du lịch không rác thải nhựa ở Việt Nam”.

Hiệp hội du lịch Việt Nam giới thiệu về Bộ tiêu chí du lịch xanh.

Hiệp hội du lịch Việt Nam giới thiệu về Bộ tiêu chí du lịch xanh.

Trước đó, tại lễ công bố “Khách sạn không rác thải nhựa” đối với khu nghỉ dưỡng Silk Sense River Hội An (Quảng Nam), Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, sẽ áp dụng thí điểm bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng..., để nhân rộng biện pháp thực hành quản lý giảm thiểu rác thải nhựa của doanh nghiệp du lịch, chung tay góp sức vì mục tiêu “Du lịch không rác thải nhựa ở Việt Nam”.

Trên cơ sở bộ tiêu chí “Khách sạn không rác thải nhựa” do Khu nghỉ dưỡng Silk Sense River Hội An xây dựng và thực hiện thành công với 70 tiêu chí, Hiệp hội du lịch Việt Nam đã nghiên cứu, hoàn thiện và ban hành Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa của Việt Nam. Bộ tiêu chí này sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của các Hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch và cơ quan quản lý du lịch địa phương để hoàn thiện và sớm đưa vào triển khai thực hiện.

Bộ công cụ được xây dựng nhằm mục đích giúp cho Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các cơ quan liên quan theo dõi, đánh giá và công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa. Từ đó hướng tới kinh doanh du lịch hiệu quả, bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội, góp phần tích cực vào việc thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.

Tổng thư ký Hiệp hội du lịch Việt Nam, TS Nguyễn Anh Trí cho hay, các doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện của Bộ tiêu chí sẽ được dán nhãn “Doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa”. Dự kiến chứng nhận này sẽ có giá trị trong vòng 3 năm kể từ ngày cấp và sẽ được tái thẩm định khi có yêu cầu từ cơ sở.

NHỮNG ĐỊA PHƯƠNG TIÊN PHONG

Cùng với Quảng Nam, Ninh Bình là một trong hai địa phương triển khai thực hiện thí điểm Dự án này. Kết quả đánh giá cho thấy, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh được chú trọng. Các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa được ứng dụng linh hoạt ở một số khu, điểm du lịch.

Nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, thời gian qua, Khu du lịch sinh thái Tràng An đã thay túi nilon bằng túi giấy, không sử dụng ống hút nhựa mà thay bằng nước đóng chai thủy tinh, tái chế chai nhựa làm phao nổi, sử dụng bát đũa thủy tinh, gỗ thay vì nhựa dùng một lần, thường xuyên vệ sinh môi trường, cảnh quan khuôn viên điểm du lịch, thu gom và phân loại rác từ nguồn, bỏ rác đúng nơi quy định… 

Hội thảo giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch 2024.

Hội thảo giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch 2024.

Đặc biệt, Khu du lịch sinh thái Tràng An đã chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, người lao động hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch (người lái đò, chèo thuyền, cano) về bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa. Sau một thời gian thực hiện, các hoạt động bảo vệ môi trường từ việc hạn chế sử dụng rác thải nhựa tại Tràng An đã nhận được phản hồi và ấn tượng tốt từ phía người sử dụng các dịch vụ. 

Tuy nhiên, theo đại diện Hiệp hội du lịch Ninh Bình, việc ứng dụng, thực hiện dự án này tại Khu du lịch còn một số khó khăn, hạn chế như: chi phí đầu tư ban đầu cao, chưa có sự đồng bộ giữa việc thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa trong và ngoài các khu du lịch, du khách đến từ nhiều nơi nên còn mang theo rác thải nhựa trong lịch trình di chuyển, một số điểm tập kết rác thải dân sinh ảnh hưởng đến mỹ quan khu du lịch…

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ một số ứng dụng, mô hình hay nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch. Trong đó đề xuất một số giải pháp như: tập trung tập huấn kiến thức, kĩ năng đào tạo cán bộ, người lao động trở thành người tiên phong, làm gương để mỗi điểm đến sẽ là điểm sáng điển hình về giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch xanh, bền vững...

Hiệp hội Du lịch tỉnh khuyến khích các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch áp dụng thí điểm không rác thải nhựa và ban hành "Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp không rác thải nhựa", xây dựng kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành Du lịch và ứng dụng quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch.