Doanh nghiệp du lịch TPHCM: Vẫn khó với visa, quy định phòng cháy chữa cháy...
Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp ngành du lịch và chính quyền TP.HCM tổ chức mới đây đã ghi nhận nhiều vướng mắc của các doanh nghiệp, liên quan đến thủ tục visa, việc kiểm tra phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường...
Chính sách cởi mở hơn nhưng cần rất nhiều thao tác
Đại diện Lữ hành Saigontourist cho biết thành phố đang kêu gọi kích cầu lại ngành du lịch sau thời gian dịch COVID-19, nhất là các đoàn khách đến từ nước ngoài. Tuy nhiên, số nước trong diện được miễn visa theo quy định còn chưa thật sự nhiều, dẫn đến việc lượng khách từ các thị trường trọng điểm, thị trường mới có tiềm năng vẫn mất chi phí cao, tốn nhiều thời gian để được duyệt.
Hệ quả của sự rườm rà này là du khách dần dần chuyển sang các thị trường khác cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Thái Lan, Singapore.
"Có quy định nào giúp hỗ trợ mở rộng chính sách visa cho khách du lịch đến Việt Nam, cũng như cơ chế thông thoáng hơn, giải quyết khó khăn về visa cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trong giai đoạn hiện nay hay không?", đại diện Lữ hành Saigontourist đặt vấn đề.
Doanh nghiệp nêu các vướng mắc tại buổi đối thoại - Ảnh: N.BÌNH
Tương tự, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp du lịch TP.HCM cũng gửi đến phản ánh: Chính sách thị thực mới của Việt Nam chính thức có hiệu lực từ ngày 15-8 với nhiều điều kiện cởi mở hơn, nhưng để xin được visa điện tử du khách phải thực hiện rất nhiều thao tác. Truy cập vào trang, du khách cũng phản ánh ngôn ngữ trên cổng thủ tục trực tuyến bị sai chính tả, nếu có trục trặc kỹ thuật thì điện thoại theo đường dây nóng hiển thị trên web không ai bắt máy...
Ông Võ Chiến Thắng, phó trưởng Phòng quản lý xuất nhập cảnh - Công an TP.HCM, thừa nhận nhiều vướng mắc về thủ tục nhập cảnh trong du lịch đã được cơ quan này ghi nhận và tham mưu cho Cục Xuất nhập cảnh trong quá trình lấy ý kiến điều chỉnh luật.
Tháng 8-2023 vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách xuất nhập cảnh mới, hỗ trợ phát triển ngành du lịch. Trong đó có một số nội dung như cho phép người ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử, nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 đến 90 ngày, visa được cho ra vào nhiều lần và có lệ phí tương đương...
Riêng 13 quốc gia được miễn thị thực đơn phương thì du khách có quốc tịch những nước này được nâng thời hạn lưu trú từ 15 ngày lên 45 ngày và không giới hạn số lần xuất nhập cảnh.
Đến nay, quy trình cấp thị thực điện tử được triển khai trên Cổng điện tử dịch vụ công quốc gia và có kết quả sau 3 ngày, du khách quốc tế có thể tự làm thủ tục xin online hoặc qua các công ty du lịch…
Tuy nhiên, ông Thắng lưu ý những chính sách nới lỏng thị thực trên cũng đi kèm trách nhiệm cho các công ty du lịch nhiều hơn trước như tăng mức chế tài, xử lý trách nhiệm quản lý người nước ngoài, thủ tục khai báo tạm trú...
Nhiều áp lực trong quá trình hồi phục
Ngoài những trục trặc về visa, nhiều ý kiến phản ánh việc thanh tra, kiểm tra tuân thủ phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm, môi trường... của cơ quan chức năng đang áp lực rất nhiều cho doanh nghiệp, đặc biệt đang trong giai đoạn hồi phục.
Đại diện Công ty cổ phần du lịch Công đoàn cho biết với yêu cầu của cơ quan quản lý phòng cháy chữa cháy, một khách sạn trong hệ thống của doanh nghiệp khách sạn phải đầu tư ít nhất 6 tỉ đồng mới tuân thủ các vấn đề kỹ thuật, thiết bị. Đây là điều không khả thi trong khi hằng năm, khách sạn cũng có những đầu tư mới để cải thiện chất lượng hạ tầng.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng đề xuất gia hạn thời gian giảm tiền ký quỹ của doanh nghiệp du lịch 80%, sẽ hết hạn vào tháng 12-2023 tới đây, vì hiện nay các doanh nghiệp vẫn đang chật vật hồi phục, chưa hết khó khăn.