Phát triển du lịch xanh kỳ vọng hút khách quốc tế đến Việt Nam
Du lịch xanh không còn là khái niệm mới đối với người làm du lịch nói riêng và du khách nói chung. Việc phát triển du lịch xanh là yếu tố góp phần tạo dựng một hướng đi bền vững cho ngành du lịch nước nhà.
Hiện nay, đã có rất nhiều địa phương phát triển du lịch xanh và bước đầu đạt được những thành quả đáng khen ngợi. Trong đó phải kể tới Ninh Bình. Từ một địa phương không quá nổi bật trong lĩnh vực du lịch, Ninh Bình từng bước đưa du lịch thành ngành công nghiệp “không khói” và tạo ra các giá trị kinh tế mang đến lợi ích cho cộng đồng địa phương. Được biết, mục tiêu của tỉnh Ninh Bình là đem du lịch xanh gắn với việc khai thác cũng như bảo tồn sinh thái, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể sẵn có ở nơi đây. Ngoài Ninh Bình, mô hình du lịch xanh cũng phát triển và được nhân rộng tại Hội An (Quảng Nam).
Ninh Bình - một trong những địa phương phát triển mô hình du lịch xanh hiệu quả
Trao đổi với báo chí, ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết, Hiệp hội đã thành lập chi hội du lịch xanh Việt Nam để thu hút thành viên có hoạt động tốt trong chuyển đổi xanh ngành du lịch, từ đó tìm ra phương pháp để doanh nghiệp tiếp cận và lan tỏa.
Xem thêm:
“Chuyển đổi xanh có vai trò rất lớn của chính quyền địa phương để vận động được người dân. Hiện nay, địa phương nào mới phát triển du lịch muốn đưa du lịch xanh vào ngay từ đầu, người làm du lịch phải tiếp cận được những chủ trương, chính sách thì hành động mới dễ dàng và hiệu quả. Đối với các đơn vị đã từng làm rồi thì tìm nhiều cách để lan tỏa chuyển đổi xanh trong lĩnh vực du lịch”, ông Thắng nói.
Được biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành đẩy mạnh du lịch xanh, Hiệp hội đã kết nối những đơn vị cung cấp dịch vụ, sản phẩm thân thiện với môi trường, trao đổi kinh nghiệm đồng thời giúp cho các doanh nghiệp xây dựng hình ảnh tốt khi tham gia vào chuyển đổi xanh.
Ông Phùng Quang Thắng - Phó chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam
Cũng theo ông Phùng Quang Thắng, việc chuyển đổi xanh cần có thời gian và lộ trình cụ thể. Bởi nó không chỉ liên quan đến những người làm du lịch mà còn có người dân và nhiều đơn vị ban ngành khác. Nhất là sau thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19, chiến tranh ở một số khu vực trên thế giới đã tác động không nhỏ đến doanh nghiệp. Chính vì thế, việc nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi xanh ở giai đoạn này có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Theo khảo sát, thị trường khách quốc tế rất quan tâm đến du lịch xanh. Nếu Việt Nam đi theo hướng đó thì cơ hội phát triển ngành du lịch là rất lớn.
“Ninh Bình là điển hình trong du lịch xanh khi họ đem được cả hai tiêu chí của di sản thế giới là thiên nhiên và văn hóa. Nhờ làm tốt điều này mà du khách quốc tế rất thích Ninh Bình, minh chứng là thời gian lưu trú của họ kéo dài hơn trước đây. Cũng nhờ làm tốt chuyển đổi xanh, Ninh Bình được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm “hút khách” ở khu vực phía Bắc. Bên cạnh đó, nhiều tập doàn lớn về du lịch trên thế giới cũng đã quan tâm và đầu tư vào Ninh Bình vì đây là điểm đến tiềm năng. Hơn nữa, xu thế của du lịch thế giới mới là tìm đến vùng đất còn giữ gìn được giá trị thiên nhiên đồng thời bảo tồn giá trị văn hóa. Đây là giá trị to lớn mà du lịch xanh mang lại”, ông Thắng chia sẻ thêm.