22/08/2024

Chùa Quỳnh Lâm

Chùa Quỳnh Lâm nằm trên đồi trong dãy núi vòng cung Đông Triều, thuộc xã Tràng An, huyện Đông Triều, đã được công nhận là di tích lịch sử và nghệ thuật (ngày 15/11/1991). Phía trước là hồ nước lớn, 3 phía còn lại là đồi núi bao bọc. Thế đất của chùa là thế "Rồng chầu hổ phục".  Chùa được hình thành từ đời Tiền Lý (khoảng cuối thế kỷ V, đầu thế kỷ VI) và được tu sửa qua các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê. Đặc biệt chùa được tôn tạo và hoàn chỉnh vào thời Lý, Trần.

Trong các thế kỷ XI - XIV và thế kỷ XVII-XVIII Quỳnh Lâm đều trở thành trung tâm Phật giáo lớn nhất của Việt Nam.

Vào thời Lý, nhà sư Không Lộ đã đúc một pho tượng Di Lặc bằng đồng cao 6 trượng, được coi là một trong “An Nam tứ đại khí” (bốn báu vật lớn của Việt Nam) và tạc một tấm bia đá cao 2,5 m, rộng 1,5 m với hình rồng uốn lượn mềm mại. Chùa Quỳnh Lâm thực sự trở thành một trung tâm Phật giáo quan trọng trong thế kỷ XIV với hoạt động của Hòa thượng Pháp Loa (1284-1330), vị tổ thứ 2 của phái Thiền Trúc Lâm.

Trên cơ sở chùa Quỳnh Lâm cũ, năm 1316 Hòa thượng Pháp Loa cho xây dựng và thành lập viện Quỳnh Lâm với kiến trúc đồ sộ và hoàn chỉnh vào năm 1329, Quỳnh Lâm trở thành "Đệ nhất danh lam cổ tích của nước An Nam". Đây là trung tâm truyền kinh giảng đạo và đào tạo hàng ngũ sư sãi cho đạo Phật, nhiều hội lớn có tiếng trong sử sách được tổ chức tại đây như hội "Thiên Phật bảy ngày, bảy đêm" (1352)...

Trải qua thăng trầm của lịch sử, các công trình kiến trúc cổ của chùa Quỳnh Lâm đã bị huỷ hoại, nhưng nhiều hiện vật như tấm bia đá lớn thời Lý, khánh đá và vườn tháp... vẫn còn. Lễ hội chùa Quỳnh Lâm diễn ra từ ngày mùng 1 đến ngày 4 tháng 2 âm lịch, nhưng không khí lễ hội diễn ra trong suốt 3 tháng xuân với lòng thành kính của tất cả các tín đồ Phật tử gần xa tín tâm về đây dâng hương lễ Phật.