Đền vua Lê
Cách đền vua Đinh chừng 500m là đền thờ vua Lê Đại Hành. Đền nằm ở thôn Trường Yên Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư nên còn gọi là đền Hạ. Đền soi bóng xuống một nhánh sông Hoàng Long. Trước mặt đền là núi Đèn, sau lưng là núi Đìa. Đền cũng được xây theo kiểu “nội công ngoại quốc” nhưng qui mô nhỏ hơn đền vua Đinh. Qua nghi môn ngoại (cửa ngoài) theo chính đạo lát gạch, phía bên trái là một hòn non bộ lớn cao 3m có tượng hình chim phượng múa, mỏ quay vào đền, hai cánh như đang bay; bên phải là nhà tiền bái, ở mặt tiền có hòn non bộ “Hổ phục” gồm gốc cây duối thân to có 9 núi, tuổi thọ trên 300 năm. Bên trái nhà tiền bái là hòn non bộ có dáng “voi quỳ” được khắc hai chữ Hán “Bất di”.
Theo chính đạo bên phải còn có hồ nước rộng. Qua nghi môn nội (cửa trong) cũng 3 gian, theo chính đạo kiến trúc đăng đối là hai vườn hoa, tiếp đó là hai dãy nhà vọng. Ở giữa vườn hoa bên phải có hai non bộ “Phượng ấp”, bên trái là hòn “Long Mã”.
Ở sân rồng gần gian giữa của bái đường có long sàng bằng đá. Đền có ba toà nhà: toà ngoài là bái đường, toà giữa thờ các công thần có công với vua Lê Đại Hành; toà trong ở giữa thờ vua Lê Đại Hành, bên phải là tượng bà Dương Vân Nga, bên trái là tượng vua Lê Ngọa Triều (Lê Long Đĩnh, con thứ 5 của vua Lê Đại Hành).
Ở đền thờ vua Lê Đại Hành nghệ thuật chạm khắc gỗ ở thế kỷ XVII đã đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo. Ngôi đền là công trình xây dựng bày tỏ lòng biết ơn của nhân dân đối với ông vua đã có nhiều công lớn trong việc dẹp giặc, xây dựng đất nước thế kỷ X.