Làng Diềm
Đối với những người yêu Quan họ (Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của Nhân loại). Làng Diềm là mảnh đất linh thiêng, nơi có đền thờ Vua Bà - Người có công sáng tạo và truyền dạy những làn điệu Quan họ.
Tương truyền Đức Vua Bà là công chúa con gái vua Hùng Vương tài sắc hơn người. Khi bà tới tuần cập kê, vua cha tổ chức hội tung cầu kén phò mã, song bà không ưng thuận lấy người thắng cuộc và xin được đi du xuân thưởng ngoạn. Khi vừa rời khỏi kinh thành thì có cơn phong vũ cuốn cả đoàn người giáng hạ xuống Trang Viêm ấp (làng Viêm Xá ngày nay). Thấy nơi đây sơn thủy hữu tình, bà liền lưu lại cho khai khẩn đất hoang, bờ bãi, dạy người dân cách làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm, trồng mía kéo mật… Bà còn sáng tác ra các lời ca, điệu hát và truyền dạy để động viên mọi người hăng say lao động. Những làn điệu ấy được dân gian lưu truyền, phát triển được gọi là Quan họ. Sau khi bà qua đời, dân làng nhớ ơn lập đền thờ…
Hội làng Diềm diễn ra trong 3 ngày, mùng 6/2 âm lịch chính hội, thể hiện sự tôn kính và lòng nhớ ơn của dân làng đối với Đức Vua Bà. Theo truyền thống, dân làng Diềm tổ chức lấy nước ở giếng Ngọc (đền Cùng) làm lễ bao sai rồi mới tiến hành tế lễ. Hành trình rước xuất phát ở đền Vua Bà sang đình làng, đền Cùng rồi quay về đền Vua Bà.
Ngôi đình ở làng Diềm (Viêm Xá), xã Hòa Long, trước thuộc huyện Yên Phong nay thuộc Thành phố Bắc Ninh, là một trong số những ngôi đình nổi tiếng còn lại ở làng quê Việt Nam. Đình thờ Trương Hống và Trương Hát, có công đánh quân xâm lược nhà Lương. Đình được xây dựng đời Lê Hy Tông (1675-1705). Làng Diềm nằm bên núi Quả Cảm và Sông Cầu, có vẻ đẹp "sơn thủy hữu tình". Đình Diềm xếp hạng di tích quốc gia 13/1/1964.
Đình nằm ở đầu làng, phía trước là đường vào làng, tiếp đến là một sân gạch rộng, rồi ba khối kiến trúc: đại đình, ống muống và hậu cung.
Nền đại đình bó đá xanh, bốn cột cái cao to đỡ bộ khung nâng mái. Nổi bật nhất trong tòa đại đình là tấm cửa võng lớn, kiểu hình hộp lồng vào nhau, sơn son thiếp vàng rực rỡ, dày đặc các hoạ tiết trang trí trau chuốt, tỉ mỉ và sinh động. Tấm cửa võng từ thượng lương buông xuống, lùi về phía sau tới hai cột ở trong chuyển thành ba mảng bọc lấy khung cửa cấm. Hoạ tiết trang trí thường gặp như: rồng, phượng, mây, hoa, lá, muông thú, hình thiếu nữ trong tư thế cưỡi rồng duyên dáng... Trong đình còn có một nhang án; đôi phỗng bằng gỗ chạm mặt rất hài hước; chiếc độc bình gốm lớn, trang trí hổ phù, rùa phun nước, rồng phượng chầu mặt trời...