Ăn chay
Ăn chay là ăn những món ăn có nguồn gốc thảo mộc, hoa trái, không ăn những đồ ăn có nguồn gốc động vật để thực hiện đức hiếu sinh. Ăn chay chia làm hai loại: ăn chay kỳ và ăn chay trường.
Ăn chay kỳ, là ăn chay có kỳ hạn nhất định trong một tháng hay trong năm:
- Nhị trai, ăn chay hai ngày mỗi tháng (1 và 15 - theo âm lịch).
- Tứ trai, mỗi tháng ăn chay 4 ngày (1, 8, 15 và 23).
- Lục trai, ăn chay sáu ngày mỗi tháng (1, 8, 14, 15, 23, 29 hay 30).
- Thập trai, ăn chay mười ngày (ngày 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30, nếu tháng thiếu thì lấy các ngày 27, 28, 29).
- Nhất nguyệt trai, ăn chay suốt cả tháng (tháng giêng hay tháng bảy).
- Tam nguyệt trai, ăn chay ba tháng (tháng giêng, bảy, chín hay mười) hoặc ăn chay liên tiếp ba tháng liền.
- Ăn chay trường tức là cả đời ăn chay.
Ngày trước ăn chay là quy định riêng của những người tu hành, nhưng lâu nay, ăn chay ngày càng được nhiều người ưa dùng bởi ăn chay có thể chữa được một số căn bệnh, nhất là những bệnh mãn tính như cao huyết áp, béo phì... Ăn chay có thể giúp cho con người nâng cao sức khoẻ và tuổi thọ. Chính vì vậy, nhu cầu các món chay ngày càng phong phú.
Nấu món chay qua nhiều công đoạn chế biến nhưng phải nhanh gọn. Chế biến phải có nghệ thuật, hợp khẩu vị, trình bày có thẩm mỹ. Phải biết điều chỉnh hợp lý các dưỡng chất, hương vị: đạm, dầu, đường, gia vị... để phát huy tác dụng tích cực của món chay.
Ngày nay, theo một số tài liệu thì ăn chay đã có tới hàng trăm món khác nhau. Người Việt Nam có truyền thống khéo tay để làm nên các món chay mang hương vị riêng, thay đổi từng bữa nên người ăn không bị chán. Chính vì nhu cầu tăng và đa dạng về các món chay mà ở một số thành phố lớn có nhiều nhà hàng chuyên làm món chay rất nổi tiếng như: Đà Nẵng, Huế, Hồ Chí Minh, Hà Nội...
Tất nhiên các món chay của Việt Nam sẽ có hương vị riêng so với món chay của Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan... hay bất kỳ một đất nước nào có truyền thống với các món chay.