Bánh cuốn
Bánh cuốn là món quà điểm tâm buổi sáng được nhiều người ưa thích. Bánh cuốn được làm từ bột gạo. Gạo để làm bánh được chọn kỹ, ngâm từ đêm hôm trước, sớm hôm sau vớt ra xay bằng cối đá quay tay. Bột xay xong được pha một tỷ lệ muối, phụ liệu vừa phải thì bánh sẽ nở, xốp, không bở và bóng mịn. Một khuôn vải làm sẵn được đặt vừa khít trên miệng một nồi nước sôi bắc trên lò than hồng. Bột gạo lỏng đổ lên khuôn bánh, đậy vung lại chờ bột chín. Khi róc bánh lấy que tre nhúng nước lạnh, gạt nhẹ, bóc lớp bánh mỏng lên. Sau đó cuốn bánh lại đặt vào đĩa, rắc hành đã phi vàng lên trên. Bánh cuốn ngon phải được tráng mỏng, có màu trắng mượt, ăn dẻo và không bị bở. Vị ngon của bánh còn được tôn lên gấp nhiều lần nhờ bát nước chấm pha khéo và đúng kiểu: không mặn, có vị ngọt, chua cay vừa phải và có chút hương thơm của tinh dầu cà cuống. Bánh cuốn chay thường được ăn kèm với chả quế.
Ngày nay để tiện lợi, người ta đã chế biến thêm món bánh cuốn có nhân. Nhân ở đây được làm bằng thịt nạc vai, tôm nõn bóc vỏ, nấm hương, mộc nhĩ thái chỉ, thêm hành, nước mắm, hạt tiêu đem xào chín tới. Khi bánh cuốn chín chỉ cần bốc một nhúm nhỏ nhân đã xào sẵn cho vào giữa cuốn lại, đặt vào đĩa, trên rắc hành đã phi thơm.
Món bánh cuốn, còn một thứ đặc biệt được coi trọng, là nước chấm. Trong nước chấm, thì hấp dẫn nhất là vị hương cay cà cuống. Việc pha chế nước chấm bánh cuốn trở thành những bí quyết riêng đối với từng nhà, từng tiệm bán bánh. Không dễ gì họ chịu phổ biến những bí quyết này cho người ngoài.
Bánh cuốn là một món ăn dân dã, vừa rẻ lại vừa ngon. Ở ngoại thành Hà Nội có Thanh Trì vẫn nổi tiếng về nghề làm bánh cuốn.