Nhãn
Nhãn cùng họ với cây vải, chôm chôm, là một loại cây đã được trồng ở Việt Nam trên 2.000 năm.
Ở cả hai miền Nam, Bắc đều có nhãn nhưng trồng những giống khác nhau. Giống miền Bắc cây to, giống miền Nam cây bé hơn nhiều. Trái nhãn có độ ngọt cao. Có hai loại nhãn là nhãn nước và nhãn cùi. Trái nhãn có hạt đen tuyền ở phía trong, cơm màu trắng đục. Ở miền Bắc có loại nhãn lồng Hưng Yên rất nổi tiếng (khi nhãn sắp chín người ta làm lồng bao ngoài chùm nhãn nên gọi là nhãn lồng).
Nhiều người lầm lẫn có giống nhãn tiêu, có lẽ người ta gọi như vậy vì hột của nó có khi chỉ nhỏ bằng hạt tiêu. Trái có nhiều nước, cơm dày. Đó chính là những trái nhãn nhỏ được lựa riêng, chứ không có giống nhãn tiêu.
Sản phẩm chế biến từ quả nhãn rất nhiều. Sấy khô cùi nhãn gọi là long nhãn. Long nhãn có mùi thơm, có thể ăn như mứt, hoặc làm thuốc an thần (theo truyền thuyết, có một cái cây mọc lên từ bên mắt hỏng của một con rồng, vì thế quả của cây đó được gọi là long nhãn - mắt rồng). Cùi nhãn lại có thể đóng đồ hộp. Hạt sen hầm nhừ, lồng vào cùi nhãn để nấu thành chè sen long nhãn là một thứ chè ngày xưa cho nhà vua dùng. Mật ong hoa nhãn được xem là thượng đẳng, thơm ngọt và có giá trị dược liệu cao. Gỗ cây nhãn cũng được coi là một thứ gỗ quý. Theo kinh nghiệm dân gian năm được mùa nhãn thì năm đó nước sông lên to vì trời mưa nhiều.