15/08/2024

Rượu

Cũng như nhiều dân tộc khác khi có cuộc vui, giỗ tết, hội hè... thì người Việt Nam thường lấy rượu làm đồ uống. Có lẽ vì vậy hàng ngàn năm qua rượu là thứ đồ uống rất gần gũi với người Việt Nam.

Rượu chủ yếu được chế biến từ lương thực (gạo, ngô, khoai, sắn).Tuy nhiên, rượu cũng có làm từ hoa quả, nước cây lên men nhưng rượu được làm từ gạo mà đặc biệt là gạo nếp cái hoa vàng vẫn là thứ rượu ngon nhất. Rượu có thể được chưng cất hoặc không cần chưng cất.

Sau khi chưng cất, ta được thứ nước không có màu, gọi là rượu trắng. Loại rượu này được dùng rất phổ biến ở khắp nơi và có một tên gọi chung - rượu trắng (rượu ngang, rượu đế). Qua nhiều khâu, nấu cơm, ủ men, sau đó là chưng cất. Chưng cất xong, rượu được đựng trong các vò, hũ sành, ché, nút kín bằng lá chuối khô để sử dụng lâu dài. Khi dùng thì rót rượu ra cái nậm làm bằng sứ (xưa có loại nậm bằng vỏ quả bầu). Chén để uống rượu là loại chén gốm hay sứ tráng men nhỏ (chén mắt trâu). Thành ngữ của Việt Nam có câu "trà tam, tửu nhị" (uống trà từ chén thứ 3, còn rượu từ chén thứ 2 mới thấy ngon; có người hiểu là uống trà 3 người, rượu 2 người mới vui).

Rượu trắng ở Việt Nam là thứ đồ uống rất phổ biến. Mỗi vùng thường có một vài địa phương nấu rượu nổi tiếng như: rượu Vân (Bắc Giang), rượu San Lùng, Bát Xát (Lào Cai), rượu cúc Phù Lỗ, rượu sen Tây Hồ (Hà Nội), rượu Kim Sơn (Ninh Bình), rượu Bầu Đá (Bình Định), rượu Mẫu Sơn (Lạng Sơn), rượu Hồng Đào (Quảng Nam), rượu Gò Đen (Long An), rượu Thanh Vân (Hà Giang)... Mỗi loại rượu đều có bí quyết, hương vị riêng. Rượu trắng sau khi ướp với hoa để lấy hương ta có một loại rượu với tên gọi khác, với hoa sen gọi là rượu sen, với hoa cúc là rượu cúc, với hoa nhài là rượu nhài... Còn rượu ngâm hay rượu thuốc là rượu có nồng độ cao được ngâm với thảo dược hay động vật. Rượu ngâm được gọi theo tên của nguyên liệu ngâm trong rượu như rượu rắn, rượu tắc kè, rượu nhung, rượu cao, rượu sâm, rượu táo tàu,…

Rượu không chưng cất ở Việt Nam có nhiều loại như rượu cẩm (nguyên liệu là gạo nếp cẩm, mầu nâu), rượu cần (từ gạo nương, men lá), rượu vang (lên men từ trái cây)... Uống rượu cũng có nhiều cách khác nhau, theo sở thích hoặc thói quen của địa phương, chẳng hạn uống rượu cần thì sử dụng các ống hút bằng tre cắm vào bình rượu, khi rượu trong bình vơi lại đổ thêm nước vào rồi lại tiếp tục uống cho đến khi rượu nhạt thì thôi.

Trong quá trình hội nhập, nhiều loại rượu ngoại đã được đưa vào Việt Nam và Việt Nam đã sản xuất một số loại rượu theo phương thức Châu Âu như vang Đà Lạt, vang Thăng Long và một số loại rượu nặng.