Vải
Ở Việt Nam, cây vải xuất hiện đầu tiên ở vùng biên giới phía Bắc, giáp Trung Quốc. Quả vải nhiều nơi còn gọi là quả tu hú vì mùa trái chín chính là mùa chim tu hú gọi bạn.
Quả vải khi chín có vỏ màu đỏ nâu, mỏng, mặt ngoài sần sùi. Cùi dày, có nhiều nước vị ngọt (hoặc chua), hột màu nâu sẫm. Nổi tiếng trong các giống vải là vải thiều được trồng ở Thanh Hà (Hải Dương), hạt chỉ nhỏ như hạt đậu đen, thậm chí có trái không tìm ra hột. Trái vải có hàm lượng dinh dưỡng cao, lại thêm mùi thơm thanh khiết do đó từ lâu vải đã được xem là một trong những loại quả nhiệt đới ngon nhất. Quả vải còn có thể chữa được một số bệnh đường ruột và nhiều công dụng khác nữa.
Mùa vải từ tháng 5 đến tháng 7 (âm lịch). Ở Việt Nam có rất nhiều giống, nhưng ngon và nổi tiếng vẫn là giống vải thiều trồng ở hai tỉnh Hải Dương (Thanh Hà) và Bắc Giang (Lục Ngạn).
Vào vụ thu hoạch, vải chín rộ, vải tươi không thể tiêu thụ hết ngay trong một thời gian ngắn, do vậy người ta đã chế biến thành vải khô, vừa bảo quản được lâu và cũng rất hợp khẩu vị với nhiều người.