21/01/2025

Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng UNDP tổng kết Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch

Sáng 21/01/2025 tại Khách sạn Hoà Bình, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Hội nghị kết thúc Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam” do Chương trình Tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường Toàn cầu, Chương trình Phát triển LHQ (UNDP/GEF-SGP) tài trợ thực hiện trong hai năm 2023-2024.

Tham dự Hội nghị có ông Phạm Văn Thủy - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Giám đốc Dự án; bà Cao Thị Ngọc Lan - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam; ông Vũ Quốc Trí - Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên quốc gia Chương trình UNDP/ GEF-SGP; ông Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường; PGS. TS. Lê Thu Hoa - Chuyên gia đánh giá Quỹ môi trường toàn cầu Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP); đại diện các ban, ngành, phòng chức năng, các địa phương, các doanh nghiệp du lịch, các cơ sở đào tạo du lịch.


Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Giám đốc Dự án.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Giám đốc Dự án đánh giá dự án đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Hiện nay rác thải nhựa là thách thức lớn nhất mà các quốc gia phải đối mặt. Tình trạng rác thải nhựa tăng nhanh, không được xử lý đúng cách, thải ra môi trường đã để lại những hậu quả nghiêm trọng cho sinh thái, sức khỏe con người. "Từ năm 2018, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động phong trào "Du lịch Việt Nam chung tay giảm thiểu rác thải nhựa", được các doanh nghiệp cả nước hưởng ứng. Nhiều địa phương, doanh nghiệp đã đạt thành tích cao trong việc giảm thiểu rác thải nhựa. Trên cơ sở đề xuất của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, UNDP đã phê duyệt Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam tại hai địa phương Ninh Bình và Hội An, từ đó nhân rộng mô hình ra trong các địa phương trên cả nước. Qua 18 tháng triển khai, Dự án đã đạt được các kết quả đề ra", ông Bình phát biểu.

Ông Phạm Văn Thủy - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá cao ý nghĩa của dự án, đánh giá cao vai trò của Hiệp hội Du lịch Việt Nam trong việc thực hiện dự án và cảm ơn UNDP đã tài trợ thực hiện dự án. Ông Thủy đánh giá, dự án đã có tác động sâu sắc tới nhận thức của người dân tại nơi thực hiện, tác động trực tiếp tới cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương. "Thông qua các hoạt động của dự án, chúng ta đã truyền đi những thông điệp mạnh mẽ, kêu gọi sự nỗ lực chung tay, góp sức của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng, và du khách vì mục tiêu không rác thải nhựa trong du lịch trong thời gian tới", ông Thủy nói.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam mong muốn những người làm du lịch cùng chung tay xây dựng ngành du lịch Việt Nam bền vững, không rác thải nhựa. Ông Thủy cũng mong muốn Hiệp hội Du lịch Việt Nam tiếp tục đồng hành trong những dự án sắp tới để hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam hơn nữa.


Ông Phạm Văn Thủy - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Ông Vũ Quốc Trí - Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Phó Giám đốc Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam đã trình bày những kết quả của dự án. Dự án đã tạo ra bảy kết quả, gồm: Tài liệu do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường nghiên cứu, tổng hợp, Bộ tài liệu truyền thông về giảm rác thải nhựa trong du lịch, Tổ chức các hoạt động truyền thông về rác thải nhựa trong du lịch, Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa, Xây dựng và vận hành các ứng dụng quản lý rác thải nhựa trong ngành du lịch, Hỗ trợ một số sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần và Kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch. Hội nghị đã trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Dự án.


Ông Vũ Quốc Trí - Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Phó Giám đốc dự án.

Rác thải nhựa đang nổi lên là một thách thức trên thế giới cũng như tại Việt Nam; là vấn đề môi trường lớn, tác động đến phát triển kinh tế-xã hội bao gồm cả lĩnh vực du lịch. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã áp dụng các quy định về giảm thiểu RTN. Du lịch được xem là lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ ô nhiễm rác thải nhựa, nhưng đồng thời cũng là nguồn phát sinh đáng kể rác thải nhựa. Sự tham gia tích cực của ngành du lịch toàn cầu vào mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa được kỳ vọng là một trong những giải pháp quan trọng mang lại kết quả có ý nghĩa nhiều mặt đối với Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Trong những năm qua, du lịch là ngành mũi nhọn có đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển này, các hoạt động du lịch cũng góp phần làm tăng lượng rác thải ra môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa (RTN), đồng thời cũng chịu nhiều tác động của RTN. Nhận thức được yêu cầu cấp thiết về bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững của đất nước, VITA với vai trò là một tổ chức xã hội nghề nghiệp của ngành du lịch đã tích cực, chủ động hưởng ứng mọi chủ trương, chính sách của nhà nước, hành động mạnh mẽ thực hiện mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch. Từ năm 2018, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động phong trào “Du lịch Việt Nam – Chung tay giảm thiểu rác thiểu nhựa” và được các doanh nghiệp du lịch cả nước hưởng ứng nhiều doanh nghiệp, địa phương đã đạt được thành tích cao trong giảm thiểu rác thải nhựa.


Toàn cảnh Hội nghị tổng kết Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch.

Qua 18 tháng triển khai, Dự án đã đạt được các kết quả đầu ra chính theo mục tiêu đặt ra. Thông qua các hoạt động truyền thông, hội thảo, toạ đàm, nhận thức về tác hại của RTN và ý thức, trách nhiệm, khả năng/năng lực quản lý, giảm thiểu RTN của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, cộng đồng doanh nghiệp du lịch, các hiệp hội du lịch, người dân được nâng cao. Các sản phẩm truyền thông, gồm: tờ rơi, tập gấp, poster, 02 video clip được xây dựng, sản xuất trong quá trình thực hiện Dự án sẽ tiếp tục được sử dụng để truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng trên phạm vi cả nước.


Ông Vũ Thế Bình trao bằng khen cho các tập thể.

Các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thí điểm và phổ biến các giải pháp/sáng kiến giảm thiểu RTN trong nhà hàng, khách sạn, khu/điểm du lịch góp phần giảm thiểu RTN phát sinh từ hoạt động du lịch trên phạm vi cả nước, qua đó giúp đạt được các mục tiêu đưa ra tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP và Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý RTN đại dương đến năm 2030, trên cơ sở đó đóng góp vào việc thực hiện các giải pháp toàn cầu về chống rác thải nhựa cũng như các cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.


Bà Cao Thị Ngọc Lan trao bằng khen cho các cá nhân.

Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không RTN được xây dựng và ban hành góp phần lan tỏa các thông điệp, các thực hành và biện pháp quản lý tốt tới các doanh nghiệp du lịch thành viên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đồng thời thúc đẩy, nhân rộng các giải pháp/sáng kiến giảm thiểu RTN trên phạm vi toàn quốc, từ đó hình thành một công cụ quản lý RTN trong ngành du lịch.

Ứng dụng (App) quản lý RTN trong ngành du lịch Việt Nam do Hiệp hội Du lịch Việt Nam xây dựng và vận hành được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ phục vụ quản lý RTN trong doanh nghiệp và hệ thống Hiệp hội Du lịch. Đối với doanh nghiệp, đây là công cụ hỗ trợ cho doanh nghiệp nắm bắt và quản lý thông tin về lượng rác thải trong đơn vị của mình, từ đó đề ra các biện pháp thực hiện nhằm giảm RTN. Đối với hệ thống Hiệp hội Du lịch, App cung cấp hệ thống báo cáo thu thập dữ liệu về tình hình triển khai việc thu gom, xử lý RTN trên địa bàn, là công cụ để thu thập thông tin và công nhận doanh nghiệp du lịch không RTN khi tham gia áp dụng Bộ Tiêu chí doanh nghiệp du lịch không RTN.

Kế hoạch hành động về giảm thiểu RTN ngành du lịch do Hiệp hội Du lịch Việt Nam xây dựng và ban hành sẽ là cơ sở để các thành viên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam triển khai, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động giảm thiểu RTN ở hầu khắp các tỉnh/thành phố trên phạm vi cả nước. Đồng thời, những kết quả, biện pháp được áp dụng trong thực tế có thể trở thành tài liệu tham khảo có giá trị trong quá trình xây dựng và đề xuất chính sách của các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch tại các địa phương và trung ương.


Các đại biểu cùng chụp ảnh lưu niệm.

Qua khảo sát điều tra, đo lường kết quả giảm thiểu RTN của các doanh nghiệp du lịch tại 02 địa phuơng (28 doanh nghiệp ở Ninh Bình và 19 doanh nghiệp ở Hội An) cho thấy: Đồng thời với việc đuợc nâng cao nhận thức, kiến thức về bảo vệ môi truờng, giảm thiểu RTN trong lĩnh vực du lịch thông qua các hội thảo/chương trình tập huấn, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và Tp. Hội An tỉnh Quảng Nam đã có sự thay đổi về hành vi giảm thiểu RTN thông qua việc thay thế đồ nhựa sử dụng một lần bằng các sản phẩm có thể tái sử dụng nhiều lần/sản phẩm thân thiện môi truờng với sự hỗ trợ của Dự án. Trên cơ sở kết quả đạt được của Dự án tại Ninh Bình và Hội An, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục phổ biến, nhân rộng các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa đến các địa phương khác trong cả nước, tập trung nội dung chuyển đổi xanh trong kinh doanh du lịch để phát triển bền vững.